Ngày 5 tháng 5 năm 2022
Kính gửi Tổng Thống Joseph R. Biden
Toà Bạch Ốc
1600 Đại lộ Pennsylvania NW
Washington, DC 20500
Kính thưa Tổng Thống Biden,
Nhân dịp Hội nghị Thượng Đỉnh Hoa Kỳ - ASEAN sắp tới, chúng tôi, các tổ chức và cá nhân ký tên dưới đây, viết thư này để thỉnh nguyện Tổng Thống trực tiếp nêu lên các quan ngại với Thủ Tướng Việt Nam về việc chính phủ Việt Nam chủ trương bách hại các tôn giáo không chấp nhận bị chính phủ kiểm soát. Điều đáng quan tâm đặc biệt là Nhà Nước đã chỉ đạo và hỗ trợ chương trình tuyên truyền dùng những ngôn từ kích động sự thù địch và bạo lực nhắm vào các nhà lãnh đạo tôn giáo và giáo dân, dẫn đến những hậu quả tai hại và đáng lo ngại.
Các nhóm thuộc “Hội Cờ Đỏ” được tổ chức, điều động trong việc dùng phương tiện truyền thông xã hội để vu khống các Linh mục Công giáo, gọi các vị này là “quạ đen”, “phản quốc”, “linh mục chó săn”, “con hươu Công giáo”, “kẻ buôn nến” và “cực đoan, quỷ quyệt,” trong số các tên gọi xấu xa khác. Người trong Hội Cờ Đỏ đã dán nhãn lên các nhà sư đáng kính của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là “những thế lực xấu” đã “xuyên tạc tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam”. Người trong Hội Cờ Đỏ ở tỉnh Đắk Lắk kêu gọi chính quyền “loại bỏ Hội thánh Tin lành đấng Christ Tây Nguyên ra khỏi cuộc sống của dân làng.”
Căn cứ vào sự đánh giá việc Việt Nam thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) vào năm 2019, Ủy ban nhân quyền Liên hiệp quốc đã xác định rõ ràng Hội Cờ Đỏ là nguồn kích động thù địch và bạo lực:
“[Ủy ban] cảm thấy bối rối và lo lắng về các báo cáo là các tác nhân phi chính phủ, chẳng hạn như “Hội Cờ Đỏ” tấn công các cộng đồng Công Giáo và tham gia vào các hoạt động tuyên truyền cổ võ và kích động kỳ thị tôn giáo, bạo lực và lời lẽ căm thù (điều 2, 18 –20 và 26).
Cho đến nay, chính phủ Việt Nam chưa truy tố thành viên nào của Hội Cờ Đỏ. Thông điệp cổ võ cho hận thù và bạo lực của họ đã nhanh chóng lan tỏa trên khắp xã hội Việt Nam. Chỉ trong 12 tháng qua, các tổ chức nhân quyền đã ghi nhận khoảng một trăm tin nhắn trên Facebook và Google nhắm vào các nhà lãnh đạo tôn giáo và giáo dân của các hội thánh Cơ Đốc Giáo người Thượng.
Một số ban, ngành của chính phủ cũng kích động lòng căm thù các cộng đồng tôn giáo của người sắc tộc. Công an tỉnh Gia Lai đã dùng cụm từ “tà đạo Hà Mòn” để mô tả những người Thượng theo đạo Công Giáo do tin rằng Đức Mẹ đã hiện ra tại một địa điểm gần Làng Hà Mòn, khu vực Tây Nguyên. Vào tháng 12 năm 2020, công an Gia Lai tuyên bố “đã tiêu diệt tà đạo Hà Mòn”. Ngày 9 tháng 2 năm 2021, chính quyền thôn Vinh Quang, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng loan báo trên hệ thống phát thanh công cộng tại chợ Nà Tông mô tả những người theo đạo Dương Văn Mình, một chi phái Thiên Chúa Giáo, là “những kẻ lừa bịp”, vu cáo cho họ “truyền bá những lý lẽ ảo tưởng, vô nghĩa gây hoang mang cho công chúng…”
Có lẽ không phải là một sự ngẫu nhiên, ngày càng có nhiều bạo lực về thể chất nhắm vào các nhà lãnh đạo tôn giáo và giáo dân đã từng là nạn nhân của chiến dịch kích động căm thù. Vào tháng Giêng năm nay, một đám đông đã hai lần tấn công các tín đồ Cao Đài trong các buổi cầu nguyện tại nhà riêng của họ ở tỉnh Tây Ninh. Vào ngày 11 và 12 tháng 8 năm 2020, một đám đông đã đột nhập vào Đan viện Thiên An ở thành phố Huế, hành hung các linh mục và tu sĩ đang cầu nguyện. Vào ngày 29 tháng Giêng, tại Kontum, linh mục Trần Ngọc Thanh đang nghe giải tội trong nhà thờ mình quản nhiệm thì một hung thủ dùng dao rựa chém tới tấp vào cha Thanh, gây tử vong. Năm ngoái, một linh mục khác ở cùng tỉnh cũng bị một kẻ lạ mặt đâm vào bụng và phải nhập viện. Vào ngày 20 tháng 2, hai viên chức chính quyền đã xông vào một nhà thờ Công giáo ở tỉnh Hòa Bình và đe dọa, phá rối Thánh lễ của Đức Tổng giám mục giáo phận Hà Nội. Vài ngày trước khi vụ việc kể trên xảy ra, một cặp vợ chồng người Hmong và cha mẹ của họ ở tỉnh Lai Châu đã bị một đám đông đánh đập, lăng mạ họ vì họ theo đạo Thiên chúa.
Đây chỉ là một số ít trường hợp tiêu biểu cho hành vi ném đá dấu tay của chính quyền khi họ kích động hận thù, làm cho các nhà lãnh đạo tôn giáo và tín đồ của các tôn giáo khác nhau phải đối mặt với bạo lực và các mối đe dọa đến an toàn cá nhân của họ. Chính quyền Việt Nam không tuân thủ Điều 20, khoản 2 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị ( ICCPR), “mọi chủ trương gây hận thù dân tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo để kích động sự phân biệt đối xử về chủng tộc, sự thù địch, hoặc bạo lực đều phải bị nghiêm cấm”.
Trước xu hướng đáng lo ngại này, chúng tôi đề nghị Ngài trao đổi trực tiếp với Thủ tướng Phạm Minh Chính của Việt Nam và kêu gọi chính phủ của ông ấy tuân thủ đầy đủ Điều 18 của ICCPR, trong đó đảm bảo quyền tự do tôn giáo hoặc niềm tin, cũng như quy định của Điều 20 rằng việc kích động bạo lực bị pháp luật nghiêm cấm. Ngoài ra, chúng tôi xin đề nghị Ngài chỉ thị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ làm những việc sau đây:
(1) Duy trì cơ sở dữ liệu về các vụ dùng ngôn ngữ kích động căm thù được báo cáo và yêu cầu chính phủ Việt Nam giải thích và giải quyết mỗi vụ;
(2) Xác định và đánh giá tác động của ngôn ngữ kích động căm thù đối với các cộng đồng tôn giáo trong tầm ngắm của chính phủ Việt Nam;
(3) Thúc giục các nhà cung cấp phương tiện truyền thông xã hội như Facebook và Google gỡ bỏ các thông điệp căm thù được tổng hợp trong cơ sở dữ liệu;
(4) Làm việc với Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc để giám sát việc Việt Nam tuân thủ Điều 18 và Điều 20 của ICCPR;
(5) Đưa hành vi dùng ngôn ngữ kích động căm thù vào trong báo cáo hàng năm của Bộ về nhân quyền và tự do tôn giáo quốc tế cũng như xem xét loại vi phạm này trong quá trình chỉ định những Quốc gia cần quan tâm đặc biệt.
Cảm ơn Ngài đã xem xét những đề nghị này và sự quan tâm của chính phủ của Ngài đến những vấn đề quan trọng này.
Trân trọng,
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng Giám đốc điều hành Boat People SOS (BPSOS)
Đồng kính gửi:
Ngài Antony Blinken, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao
Ngài Rashad Hussain, Đại sứ về Tự do Tôn giáo Quốc tế
Ngài Lisa Peterson, Quyền Trợ Lý Ngoại trưởng, Văn phòng Dân chủ, Nhân quyền và Lao động
Ngài Daniel Kritenbrink, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương
Ngài Marc Knapper, Đại sứ Hoa Kỳ tại Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Comments