top of page

Nhiều tổ chức quốc tế lên tiếng ủng hộ Bàn Tròn Đa Tôn Giáo Việt Nam

Kêu gọi TT Obama tiếp xúc các cộng đồng tôn giáo độc lập

Mạch Sống, ngày 15 tháng 4, 2016

Hôm nay 30 tổ chức nhân quyền quốc tế cùng với một số tổ chức của người Việt hải ngoại cùng lên tiếng ủng hộ việc hình thành Bàn Tròn về Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin - Việt Nam, gọi tắt là Bàn Tròn Đa Tôn Giáo Việt Nam. Ngoài ra, gần 20 nhân sĩ cũng đã đứng tên ủng hộ trong tư cách cá nhân.

"Là những tổ chức và cá nhân chủ trương phát huy tự do tôn giáo hay niềm tin trên toàn thế giới, chúng tôi quyết tâm đoàn kết với Bàn Tròn TDTGNT Việt Nam và với mọi tham dự viên của Bàn Tròn," bản tuyên bố chung khẳng định.

"Sáng kiến này dựa theo mô thức Bàn Tròn Đa Tôn Giáo đã hoạt động ở Hoa Kỳ từ 3 năm nay," Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, giải thích. "Một bàn tròn đa tôn giáo tương tự cũng được hình thành mới đây cho khu vực Âu Châụ"

Theo Ông cho biết, ý niệm hình thành bàn tròn đa tôn giáo cho Việt Nam đã được nẩy nở khi vào cuối tháng 9 năm ngoái khi các phái đoàn đại diện các cộng đồng tôn giáo độc lập từ Việt Nam đến Bangkok, Thái Lan để tham gia Hội Nghị về Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin ở Đông Nam Á. Hội nghị này do BPSOS đồng tổ chức cùng với 2 tổ chức bạn: Uỷ Hội Luật Gia Quốc Tế (ICJ) và Diễn Đàn Á Châu (Forum-Asia).

"Đấy là lần đầu tiên mà các cộng đồng tôn giáo độc lập này tiếp cận với nhau," Ts. Thắng nóị "Ở Việt Nam, họ ít khi giao tiếp với nhau."



Hội Nghị về Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin ở ĐNÁ, Bangkok, Thái Lan ngày 30/09/2015 (ảnh ICJ)

Đến tháng 2 năm nay, Ts. Thắng cùng với Luật Sư Greg Mitchell, người phối hợp Bàn Tròn Đa Tôn Giáo ở Hoa Kỳ, trình bày về mô hình bàn tròn đa tôn giáo tại Diễn Đàn Tự Do Tôn Giáo Á Châu - Thái Bình Dương được tổ chức ở Đài Loan.

Ngay sau chuyến đi Đài Loan về, một số cá nhân quan tâm đến tự do tôn giáo hay niềm tin đã ngồi lại để cùng nhau soạn thảo các quy tắc hoạt động cho Bàn Tròn Đa Tôn Giáo Việt Nam.

Tháng 3 vừa qua, Bàn Tròn Đa Tôn Giáo Việt Nam chính thức hoạt động và được phối hợp bởi một Ban Thư Ký.

Tham dự viên có thể đến với Bàn Tròn Đa Tôn Giáo trong tư cách đại diện một cộng đồng tôn giáo hay trong tư cách cá nhân. Các tham dự viên bao gồm cả một số ít chức sắc tôn giáo hiện đang lánh nạn ngoài Việt Nam.

"Như vậy, dù chính quyền Việt Nam có cản chặn thì quốc tế vẫn dễ dàng tiếp xúc với Bàn Tròn Đa Tôn Giáo qua các tham dự viên ở ngoài Việt Nam," Ts. Thắng giải thích.

Chẳng hạn, mới đây Đại Sứ Lưu Động về tự do tôn giáo quốc tế của Hoa Kỳ, Ông David Saperstein, đã gặp ở Thái Lan nhiều nhân sự tham gia Bàn Tròn Đa Tôn Giáo Việt Nam trước khi lên đường đến Việt Nam. Nhờ vậy, Ông và phái đoàn đã nhận được báo cáo cập nhật về tình trạng của các cộng đồng tôn giáo ở Việt Nam trước khi đặt chân đến Việt Nam.

"Khi tiếp xúc với quốc tế, một tham dự viên của Bàn Tròn sẽ là tiếng nói cho mọi tham dự viên khác," Ts. Thắng giải thích.

Hưởng ứng lời kêu gọi của BPSOS, 30 tổ chức nhân quyền quốc tế đã ký tên vào bản tuyên bố chung để kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ hết lòng ủng hộ Bàn Tròn Đa Tôn Giáo, tạo điều kiện cho các tham dự viên được hội họp trong sự an toàn, và sắp xếp để Tổng Thống Obama tiếp xúc với Bàn Tròn Đa Tôn Giáo khi viếng thăm Việt Nam.

Bản tuyên bố chung còn kêu gọi các tổ chức nhân quyền quốc tế hãy “theo dõi sát tình trạng an toàn của các tham dự viên của Bàn Tròn, giới thiệu họ đến với các diễn đàn khu vực và quốc tế, và yêu cầu các phái đoàn ngoại quốc thăm viếng Việt Nam tiếp xúc với họ và kể cả tham dự các buổi họp của Bàn Tròn.”

Cuối cùng, bản tuyên bố chung kêu gọi chính quyền Việt Nam đón nhận Bàn Tròn Đa Tôn Giáo như là một diễn đàn lý tưởng để tiếp cận và đối thoại với các cộng đồng tôn giáo hoạt động độc lập với chính quyền.

Theo Ts. Thắng cho biết, BPSOS vẫn tiếp tục thu thập chữ ký ủng hộ của tổ chức và nhân sĩ ở ngoài Việt Nam.

105 views0 comments

Commentaires


bottom of page