top of page

26 tổ chức kêu gọi Nghị Viện Âu Châu hoãn biểu quyết EVFTA vì VN đàn áp tôn giáo

• Việt Nam phải ngưng đàn áp tôn giáo để được tự do mậu dịch với Liên Âu

Hai ngày trước khi Nghị Viện Âu Châu biểu quyết về Hiệp Ước Mậu Dịch Tự Do Liên Âu – Việt Nam (EVFTA) và Hiệp Ước Bảo Vệ Đầu Tư (IPA), 26 tổ chức quan tâm đến tự do tôn giáo cùng lên tiếng với 700 nghị sĩ Âu Châu, yêu cầu hoãn biểu quyết cho đến khi nhà nước Việt Nam chứng minh sự tuân thủ nghiêm chỉnh những cam kết trong các công ước LHQ mà họ đã ký kết. Thư chung này chỉ ra là chính quyền Việt Nam tiếp tục vi phạm nghiêm trọng các cam kết với Liên Hiệp Quốc dù đã nhiều lần nhận được các khuyến nghị: “Cả Uỷ Ban Nhân Quyền Việt Nam lẫn Uỷ Ban Chống Tra Tấn của LHQ đều đưa ra danh sách dài các khuyến nghị cho Việt Nam sau cuộc kiểm điểm gần đây về Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị và Công Ước Chống Tra Tấn. “ Để minh hoạ, thư chung dẫn chứng một số trường hợp vi phạm được các định chế nhân quyền LHQ nêu lên trong các cuộc kiểm điểm mới đây dành cho Việt Nam. Thư chung cũng nêu tình trạng nhà nước Việt Nam hăm doạ và trả thù những ai báo cáo vi phạm cho LHQ, theo báo cáo ngày 9 tháng 9 năm 2019 của Tổng Thu Ký LHQ.

Theo Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, mục đích trên hết của thư chung này là giúp cho các nghị sĩ Âu Châu hiểu rõ về tình trạng đàn áp tôn giáo ở Việt Nam trong bối cảnh nhiều quốc gia thuộc khối Liên Âu vừa tham gia Liên Minh Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, một sự kiện được Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo công bố ngày 4 tháng 2 vừa qua.


Nghị Sĩ Âu Châu Peter van Dalen và Ts Nguyễn Đình Thắng tại sự kiện bên lềBữa Điểm Tâm Cầu Nguyện Quốc Gia, ngày 4 tháng 2 năm 2020

“Đối với nhiều nghị sĩ Âu Châu, có thể đây là lần đầu tiên họ được báo động về thực trạng đàn áp tôn giáo ở Việt Nam,” Ts. Thắng nói. “Không những thế, nhiều tổ chức quan tâm đến tự do tôn giáo ở Âu Châu cũng chưa biết gì nhiều về tình hình ở Việt Nam; đây là cơ hội để lôi kéo họ đứng chung với chúng ta.” Trong thông điệp gửi các tổ chức thân hữu ở Âu Châu, Ts. Thắng cho biết, quan trọng không kém, là đặt vấn đề trách nhiệm trước khi các nghị sĩ Âu Châu bỏ phiếu chuẩn duyệt EVFTA và IPA ngày Thứ Ba 11 tháng 2 tới đây. “Hễ sau này xảy ra bất kỳ sự vi phạm nào ở Việt Nam, chúng tôi sẽ có lý do để nhắc nhở các nghị sĩ ấy về trách nhiệm lên tiếng và can thiệp”, Ts. Thắng giải thích. Tuần qua tại một sự kiện ở Thủ Đô Hoa Kỳ, Ts. Thắng trao đổi trực tiếp điều này với Ông Peter van Dalen, Nghị Sĩ Âu Châu đại diện Hoà Lan và cũng là trưởng khối các nghị sĩ quan tâm đến tự do tôn giáo ở Nghị Viện Âu Châu. Ông van Dalen hứa sẽ bàn với các đồng viện trong khối về tình trạng đàn áp tôn giáo ở Việt Nam để có sự lên tiếng đồng loạt trước phiên bỏ phiếu. Bàn Tròn Đa Tôn Giáo Brussels – Liên Âu, diễn đàn của các quốc gia quan tâm đến tình hình tự do tôn giáo quốc tế, đã đứng ra thu thập chữ ký cho bức thư chung do BPSOS khởi xướng. Song song, một số tổ chức vẫn hợp tác với BPSOS về lĩnh vực tự do tôn giáo cũng huy động hệ thống nhân sự của riêng họ ở các quốc gia Âu Châu để tiếp xúc Nghị Viện Âu Châu. Các tổ chức này gồm có Christian Solidarity Worldwide, Alliance Defending Freedom International, Jubilee Campaign, FORUM-ASIA, ASEAN Parliamentarians for Human Rights, International Christian Concern, v.v. “Bất luận kết quả cuộc bỏ phiếu ngày 11 tháng 2 tới đây, chúng tôi đang gieo mầm tại Nghị Viện Âu Châu và đang tập hợp một lực lượng vận động ở khu vực Liên Âu”, Ts. Thắng nói. “Năm nay công cuộc quốc tế vận của BPSOS sẽ được đẩy mạnh thêm ở khu vực này.” Ngoài 26 tổ chức còn có 3 cá nhân đại diện cho các mạng lưới khác nhau cũng đứng tên chung. Ngoài 700 vị nghị sĩ Âu Châu, văn thư còn được gửi đến Ông Jan Figel, Đặc Sứ Liên Âu về tự do tôn giáo. Kèm với thư là một phụ đính gồm nhiều dẫn chứng về các vi phạm nghiêm trọng bởi nhà nước Việt Nam đối với ngay cả các công ước quốc tế mà họ đã ký. Ngày 4 tháng 2, BPSOS cũng đã ký cung văn thư cùng 27 tổ chức khác để gửi các thành viên của Nghị Viện Âu Châu. Thư chung này do tổ chức Human Rights Watch khởi xướng. Thư chung của 26 tổ chức: http://dvov.org/wp-content/uploads/2020/02/Joint-Letter-on-EVFTA-and-IPA-Vote-Feb-11-2020.pdf Phụ đính gửi kèm thư chung: http://dvov.org/wp-content/uploads/2020/02/Annex-to-Letter-on-EVFTA-and-IPA-Vote-Feb-11-2019.pdf Thư chung của Human Rights Watch: http://dvov.org/wp-content/uploads/2020/02/Joint-NGO-letter-EVFTA-plenary-vote-Feb-2019-.pdf

19 views0 comments

Comments


bottom of page